DỊCH VỤ TANG LỄ TÂN VẠN PHÚ

    DỊCH VỤ TANG LỄ TÂN VẠN PHÚ

    DỊCH VỤ TANG LỄ TÂN VẠN PHÚ

    TÌNH NGƯỜI TRONG CHIẾC ÁO QUAN.

    ( Trích báo Sài Gòn Giải Phóng )

    Suốt nhiều năm qua, có một người đàn ông trung niên lặng lẽ làm việc thiện “hổng giống ai”: tặng áo quan cho người già neo đơn và người nghèo vắn số lúc qua đời. Ông là Nguyễn Thành Khoa, chủ trại hòm Tân Vạn Phú

    Hơn nửa tháng nay, hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, phường 2 quận Phú Nhuận (TPHCM) có treo một tấm bạt nhựa “Điểm giúp hòm từ thiện và trợ táng miễn phí”, cùng số điện thoại liên lạc ghi kèm theo ngay bên dưới. Ai cũng bất ngờ khi biết ông Đỗ Văn Út hành nghề sửa xe gắn máy tại hẻm nhỏ này, là thành viên của “Ban Bảo trợ từ thiện Bác Ái” do ông Nguyễn Thành Khoa làm trưởng ban.

    “Được chính quyền địa phương, khu phố chấp thuận, anh em tụi tui tự bỏ tiền làm tấm bạt này mục đích thông báo để bà con cô bác biết nếu có người nghèo nào chẳng may qua đời không có điều kiện mai táng có thể liên lạc để chúng tôi giúp. Sống đã khổ cực, chết lại bơ vơ, nghĩ đau lòng nên chúng tôi phải làm điều cần làm. Anh Khoa là người đã nghĩ và làm việc nghĩa đó nhiều năm rồi” – ông Út tâm sự.

    Tiếp tục tìm đến cơ sở mai táng Tân Vạn Phú để gặp người được coi là ân nhân của rất nhiều người bất hạnh quá cố. Trước căn nhà số 55, đường trục 13 phường 13 quận Bình Thạnh, ngay từ cổng ra vào đã thấy từng dãy áo quan xếp chồng lên nhau trên hàng kệ kê sát 2 bên tường vào đến tận bên trong. Mặc dù cảm giác hơi “ớn” nhưng khi tiếp xúc với ông chủ “trại hòm” giàu tình người đối với những mảnh đời bất hạnh trong phút tử biệt, không khí lại trở nên vô cùng thân thiện, ấm áp.

    tinh-nguoi-trong-cai-ao-quan

    Cách đây 12 năm, lúc còn công tác tại Hội Chữ thập đỏ quận 3, ngoài các công tác nhân đạo khác, ông Khoa còn đảm nhiệm chương trình “Bữa cơm người già nghèo neo đơn”. Ngày ngày, ông có mặt bên cạnh các ông lão, bà cụ già nua sống trong cảnh bần hàn. Có người tứ cố vô thân, chủ yếu sống nhờ vào sự đùm bọc của chòm xóm hoặc lang thang ăn xin, còng lưng đi bán vé số dạo nuôi thân. “Nhận được suất cơm nóng qua cơn đói lòng, các cụ xúc động đến rơi nước mắt. Có cụ mếu máo nói với tôi rằng không biết đến lúc nhắm mắt sẽ thế nào đây” – ông Khoa bùi ngùi nhớ lại.

    Rồi lòng trắc ẩn mách bảo, thôi thúc, từ lúc đó trở về sau, hễ nhận được tin báo có người già neo đơn hay người nghèo chẳng may qua đời trong cảnh túng quẫn, ông Khoa đều bỏ tiền túi và vận động bạn bè, người quen cùng chung tay giúp áo quan, chi phí an táng. Ngày tháng trôi qua nghĩa cử tặng quan tài trở thành “thói quen” theo ông cùng năm tháng.

    Đầu năm 2000, ông Khoa xin nghỉ việc ở cơ quan, mở dịch vụ mai táng, vừa kinh doanh vừa hỗ trợ người nghèo. Bất kể đêm hôm, nắng mưa, biết tin có bất kỳ người nghèo nào nằm xuống là đội mai táng Tân Vạn Phú lại “rầm rộ” lên đường làm việc nghĩa. Cẩn trọng và tận tình từ khâu tẩn liệm đến lúc chôn cất hay hỏa táng. Người này truyền tai người nọ, rồi chẳng mấy chốc không chỉ các địa bàn trong thành phố mà cả các tỉnh lân cận cũng có người tình nguyện làm “tai, mắt” hỗ trợ ông Khoa tặng quan tài người nghèo. Có tháng cơ sở của ông phục vụ miễn phí hơn chục đám tang.

    Không dừng lại ở đó, năm 2005, ông Khoa và một số người bạn cùng chí hướng thành lập “Ban Bảo trợ từ thiện Bác Ái”. Hiện tại ban có hơn 200 thành viên, gồm nhiều thành phần khác nhau trong xã hội tự nguyện tham gia góp sức giúp người nằm xuống đỡ bất hạnh phần nào. Dừng câu chuyện một chút, đưa tay nâng tách trà lên miệng, nhấp một ngụm, ông Khoa cất giọng “khoe” rằng nhóm từ thiện của mình vừa hoàn thành chuyến công tác xã hội đầy ý nghĩa tại xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ (Long An) vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ vừa rồi với hàng trăm phần quà giúp gia đình chính sách, học sinh nghèo và 1 căn nhà tình thương trị giá 25 triệu đồng.

    tinh-nguoi-trong-cai-ao-quan1

    Ông Nguyễn Thành Khoa –  Trưởng Ban Bảo trợ từ thiện Bác Ái – Quận 1

    Qua 8 năm hoạt động, mỗi năm “Ban Bảo trợ từ thiện Bác Ái” dành kinh phí hoạt động từ thiện trên dưới 1 tỷ đồng. Nở nụ cười đôn hậu, ông Nguyễn Thành Khoa từ tốn nhắn nhủ: “Nếu mấy anh biết bất kỳ trường hợp người nghèo nào chẳng may qua đời trong tình trạng cô đơn hoặc gia đình không có khả năng mai táng, cứ báo tin cho chúng tôi biết để giúp họ có được chút hơi ấm tình người khi nằm xuống nơi đất lạnh”.

     

    Chia sẻ: